Tác giả: Thích Nữ Nhuận Cát (Lê Thị Kiều Tiên)
Năm XB: 2017
Số trang: 54
Nội dung:
Hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm quá đỗi thân quen với chúng ta, những người con trên mảnh đất hình chữ S này. Ngài trở thành âm hưởng, tinh ba trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam. Bồ-tát Quán Thế Âm - vị Bồ-tát với hạnh nguyện “tầm thanh cứu khổ” vốn là biểu tượng quy ngưỡng của tín đồ trong hầu hết các quốc gia theo truyền thống Đại thừa. Tôn hiệu và hình ảnh của Ngài đã in sâu trong tâm thức người Phật tử Việt Nam cũng như các nước vùng Đông bắc Á. Trong bối cảnh sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng hiện nay, xu hướng tôn thờ, lễ kính Ngài như một vị thần để mưu cầu lợi dưỡng đã trở thành hiện tượng ngày càng phổ biến, dẫn đến những hình thức cầu đảo và suy diễn lệch lạc, xa lạ với ý nghĩa cao đẹp, chân chính trong truyền thống Phật giáo, nhất là với hạnh nguyện của Ngài. Xuất phát từ bộ kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn có một vị thế riêng và Bồtát Quán Thế Âm cũng có những khắc họa đặc thù. Qua khảo sát các tác phẩm như Lược giảng kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Hoa huyền nghĩa, Tư tưởng kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Hoa giữa các kinh điển Đại thừa…, chúng ta sẽ có cái nhìn tổng thể và đầy đủ hơn về nội dung, tư tưởng kinh Pháp Hoa. Như vậy, từ trước đến nay đã có khá nhiều chuyên khảo về kinh Pháp Hoa, về Bồ-tát Quán Thế Âm, tuy nhiên vẫn chưa có tác phẩm nào nghiên cứu chuyên biệt về hạnh nguyện của Ngài trong kinh Phổ Môn. Với đề tài Hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm qua kinh Phổ Môn, người viết muốn nhấn mạnh đến con đường nhập thế của một vị Bồ-tát, hòa chung với cuộc sống xã hội, góp phần nhận định lại vị thế của người tu sĩ trong việc truyền bá chánh pháp, cũng như nhận thức của quần chúng đối với Bồ-tát Quán Thế Âm trong bối cảnh hiện tại. Từ việc làm rõ hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm trong kinh Phổ Môn, mục đích của luận văn là nhằm xác định rõ chân ý nghĩa hạnh nguyện của Bồ-tát Đại thừa được thuyên giải qua các kinh văn nói chung, và ý nghĩa những lời thệ nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm trong kinh Phổ Môn, để từ đó làm nơi quy chiếu cho việc nhận thức và thực hành đúng đắn theo hạnh nguyện của Ngài, nhất là trong bối cảnh sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng hôm nay. Để đạt được mục đích này, nhiệm vụ của luận văn được trình bày trong nội dung chính của bài viết. Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 9 tiết. Chương 1: Luận văn làm rõ lý tưởng, hạnh nguyện và phẩm tính của Bồ-tát theo quan điểm Đại thừa; làm rõ quá trình hình thành, phát triển của tư tưởng Bồtát thừa trong bối cảnh lịch sử Phật giáo Ấn Độ cổ đại, cụ thể là từ thời Aśoka trở đi, với sự xuất hiện của dòng văn học Jātaka; tìm hiểu tiền thân của Bồ-tát Quán Thế Âm được ghi chép trong các kinh điển Đại thừa. Chương 2: Luận văn tập trung khảo sát nội dung phẩm Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, làm rõ hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm được Đức Phật minh thị rõ trong bản kinh này. Chương 3: Làm rõ vị trí của Bồ-tát Quán Thế Âm trong tâm thức dân tộc qua các phương diện: tín ngưỡng thờ phụng, lễ hội truyền thống và các loại hình nghệ thuật. Bồ-tát Quán Thế Âm hiện thế như một sự giao hòa giữa đạo và đời, như nhắc nhở lại vị thế của người xuất gia và vai trò của người cư sĩ trong xã hội. Đạo Phật không tồn tại dành riêng cho một đối tượng hay một thành phần nào. Mỗi một chúng sanh đều mang trong mình hạt giống của từ bi, của sự tỉnh thức, giác ngộ. Vì vậy chúng ta phải có những hướng đi đúng để không cổ súy cho những lối nghĩ sai lầm nhưng cũng không thể phủ nhận những giá trị thực tế của nó. Bồ-tát đi vào đời dấn thân như là một phương tiện thiện xảo, chúng ta phải xác định rõ, cái gì thật sự cần thiết cho đời sống hạnh phúc của ta, tránh chạy theo xu hướng thời đại ảo từ đó tu tập chuyển hóa thân tâm theo hướng tích cực